Nếu hỏi rằng thất bại đã dạy cho tôi điều gì, tôi sẽ trả lời rằng đó là một cú đấm rất đau.
1 – Đau – nhưng chưa phải điểm cuối cùng
Thực tế rằng, khi đứng ở điểm khởi đầu, chúng ta đều tưởng tượng đến một viễn cảnh bi quan rằng: Nếu chẳng may thất bại, chắc cuộc sống sẽ đóng lại.
Nhưng khó khăn, thất bại thực tế dạy cho tôi rằng: Chẳng phải!
Cuộc sống vẫn thế, mặt trời vẫn ló rạng, chỉ là kẻ thất bại thì có đau đớn hơn, thế thôi.
Nhưng, nỗi đau cũng có ưu điểm của nó. Mà ưu điểm lớn nhất chính là:
Đau giúp bạn nhận ra rằng mình vẫn còn sống. Và, người đàn ông có thể bước ra từ những nỗi đau – chính là người mạnh mẽ nhất.
Mỗi sự trưởng thành đều là kết quả của quá trình nếm trải khó khăn và cực khổ. Mỗi sự cản trở, nỗi đau, đả kích trong cuộc sống đều có ý nghĩa riêng. Qua mỗi đoạn gập ghềnh, cuộc sống lại mang đến cho chúng ta một sự trải nghiệm. Hiện tại mang đến khổ đau, mà đau khổ lại giúp người ta kiên cường. Cuộc đời là khó khăn nối tiếp khó khăn, buộc người ta phải trưởng thành và dạn dĩ đương đầu, giống như cách nói của nhà văn Ernest Hemingway:
“Cuộc sống khiến ta đầy thương tích, nhưng sau này những nơi bị thương nhất định sẽ trở thành những nơi mạnh mẽ nhất”.
2 – Tìm được câu trả lời: Tôi là ai?
Đã bao giờ giữa dòng đời, bạn chợt dừng lại và tự hỏi: “Tại sao mình thấy mệt mỏi đến vậy?” hay “Mình phải làm gì đây?” Bạn bế tắc, cảm thấy cuộc sống như một vòng tuần hoàn không lối thoát, và bạn chẳng thể làm gì ngoài việc bị động hứng chịu.
Tĩnh lặng lại, phân tích ra, sẽ thấy thất bại có nhiều nguyên do: ngoại cảnh và bản thân mình. Nhưng là một người đàn ông trưởng thành, hãy cứ nhận hết lỗi về mình trước đã. ‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’, đó là nguyên tắc của tôi.
Nhưng, để có thể nhìn nhận sự thật trần trụi ấy, cần rất nhiều bầm dập. Bởi lẽ, tư duy của chúng ta là không muốn nhìn vào sự thật phũ phàng, nhất là khi nó mang tính tiêu cực. Ta thường chôn chặt chúng trong lòng, lảng tránh chúng trong vô thức. Vì xét cho cùng, khi thấu hiểu được bản thân, bạn có thể chẳng thích cái người mà mình vừa thấu hiểu nữa.
Sự thật thường mất lòng – thế nên đa số không muốn đối mặt với nó. Với một sự thật trần trụi, chúng ta thường chối bỏ, hoặc tìm lấy một lý do để đổ lỗi hòng giảm bớt đi cảm giác “sai trái” đó.
Thấu hiểu bản thân là chấp nhận sự thật và các chỉ trích.
Nói thì dễ nhưng thực hiện thì khó, bởi vì hầu hết chúng ta đều có một cái “Tôi” quá lớn: Trong gia đình thì vợ chồng không nhường nhịn nhau; ai cũng muốn phải là nhất; ai cũng muốn được tôn trọng, rồi sinh ra cãi cọ, thậm chí bỏ nhau. Trong công ty thì nghĩ mình quan trọng, có năng lực, không có mình thì công ty sẽ gặp khó khăn…
Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái lại, thiếu đi một cá nhân, một tập thể hay thậm chí là toàn bộ nhân loại đi chăng nữa thì trái đất vẫn quay và vũ trụ vẫn vận hành theo quy luật vốn có.
Để tìm được câu trả lời “Tôi là ai” sau thất bại, tôi đã giảm cái Tôi xuống và sẵn sàng chịu trách nhiệm, thậm chí đả kích cho những trải nghiệm của mình trước đó. Quá trình này tôi đã vỡ vạc ra nhiều điều trong bản thân, hay nói cách khác, thất bại dạy tôi rằng:
Sống phải tỉnh táo và khôn ra.
Tôi biết sức người có hạn, bản thân còn thiếu sót mà không ngừng cố gắng.
Tôi biết mình là ai, đang ở đâu và cần làm tiếp những gì.
3 – Chọn lọc tình bạn, tình người
Câu ‘hoạn nạn đo lòng người’, thật đúng!
Trong cuộc sống này, khi bạn ở trên đỉnh vinh quang, bao nhiêu người ở dưới tung hô – điều ấy thật dễ dàng.
Nhưng khi bạn rơi xuống vực, có người sẵn sàng giẫm đạp lên mà bước qua, hoặc thờ ơ bước tiếp con đường của họ, hoặc đưa tay níu chặt tay bạn… chính là lúc thấu rõ lòng người.
Chỉ thật sự những người chân thành – thì dù lúc khổ đau hay thành công, họ vẫn sẵn sàng ở lại.
Thành bại thì lúc này lúc kia, nhưng nhờ thất bại mà biết được ai tốt với mình, thì quá lời rồi.
4 – Bạn hiểu rằng thất bại không phải là mất hết, thành công cũng không phải có tất cả
Có người ngư dân nọ, trong một lần gặp tai nạn trên biển, đã trôi dạt đến một hòn đảo nhỏ. Đó là hòn đảo hoang không một bóng người. Ở đó thân cô thế cô, trải qua bao vất vả, cuối cùng ông cũng dựng được một cái lều nhỏ có thể che mưa tránh gió.
Thế nhưng ngay khi người này chuẩn bị chợp mắt đi ngủ, bỗng nhiên cái lều nhỏ bốc cháy, mọi thứ tốn bao nhiêu công xây dựng đều bị thiêu cháy rụi trong chớp mắt. Vừa bất lực vừa tuyệt vọng, ông không biết phải làm gì tiếp theo, đành ngồi ôm mặt khóc. Bỗng nhiên, phía ngoài khơi xa xa có một chiếc thuyền đang tiến về phía hoang đảo nhỏ.
Hóa ra, chính trận hỏa hoạn đã thu hút sự chú ý của thuyền phu. Thuyền phu cho đó là tín hiệu cấp cứu nên vội lái thuyền về hướng đám cháy. Không ai ngờ rằng, trận hỏa hoạn tưởng chừng như thiêu rụi đường sống của ngư dân nọ lại mở ra cơ hội cứu sống anh ta, đưa anh ta trở về ngôi nhà thực sự của mình. Trong vận rủi có cái may, từ trong tột cùng nỗi tuyệt vọng, một hy vọng mới đang được thắp sáng.
Thất bại không đại biểu cho kết quả cuối cùng.
Mọi thứ trong cuộc sống này đều có 2 mặt. Nhưng chúng ta lại thường chỉ nhìn vào duy nhất một mặt mình muốn nhìn và phủ nhận mặt còn lại. Thất bại không phải thứ đáng sợ nhất. Đáng sợ nhất chính là nhụt chí, mất hết dũng khí để vượt qua thất bại.
5 – Sống sót qua thất bại là một trải nghiệm đáng ngưỡng mộ
Đời người đàn ông có một số những trải nghiệm thú vị. Tôi cho rằng thất bại cũng là một trong số đó.
Và điều quan trọng, bài học lớn nhất mà có những người cả đời này cũng không thể học được, đó là: Cách đứng lên sau những vấp ngã.
Làm cha mẹ