Ở MỸ ,nhiều trường học đóng cửa vì Covid-19. Học sinh học trực tuyến và “thảm họa” của nhiều gia đình bắt đầu khi phụ huynh không thể vừa làm việc, vừa kèm con học bài.
-“Tôi không làm được”, một người mẹ thốt lên sau một tuần đứa con của cô học trực tuyến.
Nhưng cô không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều gia đình trên khắp nước Mỹ chán nản khi bước vào tuần thứ hai, rồi tuần thứ ba cho con học từ xa qua các ứng dụng giảng dạy trực tuyến và các bài tập qua email. Một số kiệt sức đến mức cho con nghỉ hẳn phần còn lại của năm học, bảo lưu kết quả để năm sau học tiếp.
Khi các trường cho học từ xa, giáo viên thường đề nghị trẻ phải có sự trợ giúp của cha mẹ. Nhưng với nhiều người, đó là một việc bất khả thi.
Khi các trường cho học từ xa, giáo viên thường đề nghị trẻ phải có sự trợ giúp của cha mẹ. Nhưng với nhiều người, đó là một việc bất khả thi.
Những người còn gắng gượng được yêu cầu con làm tất cả các bài tập của trường vào cuối tuần. Thậm chí có những bậc cha mẹ phải nghỉ làm một ngày để giúp con hoàn thành bài tập của cả tuần.
-“Chúng tôi cố gắng thực hiện học từ xa trong tuần đầu tiên bằng cách sắp xếp thời gian biểu nhưng thực tế là ép một đứa trẻ vào các lớp học ảo rất khó khăn”, Jac Nicholson, người có con trai đang học mẫu giáo ở ngoại ô thành phố Boston, cho hay.
-“Tôi muốn thằng bé xem những bộ phim Godzilla cổ điển và chơi trong sân, giả vờ là một Jedi (nhân vật trong phim Chiến tranh giữa các vì sao) hơn là học toán”, anh nói.
Ở những gia đình đông con, hoặc cha mẹ vẫn phải đi làm còn căng thẳng hơn. Một số trường hợp, các ông bố bà mẹ đành phải áp dụng chính sách “tự trị” tức là bắt đứa lớn hơn phải trông em cả ngày. Hậu quả là đứa con lớn chẳng còn thời gian học bài.
- “Tôi nghĩ áp lực đang tăng và một số gia đình thu nhập thấp thậm chí mệt mỏi hơn. Thật sự quá sức”, Rachel Pearl, một lãnh đạo của Friends of the Children – tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ tư vấn tâm lý trẻ em, cho hay. “Nhiều gia đình thấy họ vẫn chưa làm đủ trong khi họ đã kiệt sức và tôi sợ họ sẽ suy sụp”, ông nói.
Các bậc cha mẹ trên khắp nước Mỹ sợ con bị tụt lại phía sau, đặc biệt là trong các gia đình có thu nhập thấp hơn. Khoảng 72% số gia đình có thu nhập dưới 50.000 USD mỗi năm có lo lắng như vậy, trong khi với gia đình có thu nhập cao, con số này chỉ 56%, theo cuộc thăm dò cuối tháng 3 của Trung tâm Nghiên cứu Công vụ Associated Press-NORC.
Meghan Perrone, một y tá ở Ebensburg, Pennsylvania, chỉ có thể giúp con gái 8 tuổi làm bài tập sau khi đi làm về và dọn dẹp xong đống bát đĩa của bữa tối. Chồng cô làm tại nhà nhưng công việc cần sự yên tĩnh nên không trông được con. Ban ngày, cô con gái lớn phải trông em gái hai tuổi. Do đó, gia đình phải đẩy khối bài tập cả tuần vào thứ bảy, Chủ nhật. Họ cố nhồi nhét càng nhiều càng tốt trong hai ngày này. Thứ bảy gần đây, mãi đến 10 giờ tối, hai bố con mới hoàn thành bài tập khoa học.
- “Hiện tại chúng tôi không đủ điều kiện để nghỉ việc. Một số người hoàn toàn không làm việc và họ có thể dành thời gian chăm con, nhưng với chúng tôi, đó là điều không thể”, anh Perrone nói.
Những người có con lớn hơn có thể sẽ đỡ mệt hơn, nhưng cha mẹ vẫn phải theo dõi thời gian con học trực tuyến với cô giáo và đảm bảo tất cả các bài tập được hoàn thành.
Sarah Karpanty, 44 tuổi, mẹ của hai học sinh trung học cơ sở ở Roanoke, Virginia, cho biết: “Tôi muốn bỏ trốn”. Karpanty là một giáo sư sinh học động vật hoang dã tại Đại học Bách khoa Virginia. Cô cũng đang dạy từ xa. Các con cô, 12 và 13 tuổi, khá tự lập nhưng vẫn cần được hướng dẫn khi sử dụng công nghệ giảng dạy trực tuyến.
- “Khi dịch bệnh bắt đầu, tất cả chúng ta đều nghĩ, ‘Cảm ơn chúa, những đứa trẻ không bị ảnh hưởng’. Nhưng giờ chúng ta phải thành thật, bọn trẻ không ổn”, cô nói.
Tuần trước, Kara Illig, một bà mẹ ba con, ở Ebensburg, Pennsylvania, Mỹ, vừa có một ngày quá sức với bài tập của các con. Con trai học lớp 4 có 6 bài tập tiếng Anh, tất cả đều có hạn nộp trong ngày hôm đó. Con gái lớp 2 được giao dựng một cái bàn có thể để một cuốn từ điển chỉ bằng giấy in, bìa cứng và băng keo.
Cô hầu như không thể theo dõi bài tập của các con, trong khi còn phải lo lắng về việc phải chuyển sang một công việc mới khi làm việc tại nhà.
- “Tôi cảm thấy mình là kẻ thất bại”, cô nói.
Illig đã đặt một câu hỏi trên nhóm Tổ chức Giáo viên Phụ huynh tư nhân trên Facebook: “Có ai gặp khó khăn trong việc theo kịp tình trạng này không? Toàn bộ bảng tin trên Facebook của tôi không có gì ngoài hình ảnh về những gia đình hạnh phúc, nề nếp, ngồi cùng nhau ở bàn ăn làm bài tập trong khi tôi KHÔNG thể làm được như vậy”.
Bài đăng ngay lập tức nhận được hơn 70 phản hồi, hầu hết đều đồng tình với cảm xúc của Illig. Hiệu trưởng của trường gọi cho cô tỏ vẻ hơi khó chịu. Vài ngày sau, hệ thống trường yêu cầu các giáo viên không giao làm bài tập hàng ngày.
Illig tin rằng cô đang khiến nhiều người bực dọc khi kêu như vậy nhưng cô không hối hận. “Đây là một tình huống tồi tệ và tất cả chúng ta đều cố gắng thích nghi và sống sót”, cô nói.
Susan Binder, giáo viên trung học ở California, cho biết công nghệ có thể gây nhàm chán cho việc học và nhiều khiếm khuyết. “Đây là một miếng băng rất thô sơ trong khi chúng ta đang mang một vết thương rất lớn. Chúng ta chỉ đang làm điều tốt nhất có thể”, Binder cho biết.
–“Một video không thể nhìn mặt tất cả các học sinh và rất khó để nhận ra sự bối rối hay chưa hiểu bài của các em – điều mà các giáo viên có thể làm”, cô nói.
Binder lo lắng thế hệ học sinh, sinh viên trong đại dịch sẽ bị thiệt thòi về học tập, mặt xã hội và tình cảm.